Skip to Main Content

TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ (OER)

Trang thông tin cung cấp nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích, được xuất bản bởi các trường đại học danh tiếng trên thế giới nhằm phục vụ cho hoạt động giảng dạy và học tập tại các trường đại học ở Việt Nam.

Những câu hỏi thường gặp về TNGDM

1. Nguồn tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) là gì?

Theo UNESCO (Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc, "TNGDM bao gồm tất cả các dạng tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập trong nhà trường được xuất bản rộng rãi với quyền truy cập mở. Bản chất của loại tài liệu này cho phép việc nhân bản, sử dụng, thay đổi và chia sẻ lại nội dung tài liệu hoàn toàn miễn phí và hợp pháp. Tài nguyên giáo dục mở bao gồm nhiều loại từ sách giáo khoa (SGK) đến chương trình đào tạo, đề cương môn học, bài giảng, bài tập, bài kiểm tra, báo cáo, âm thanh, hình ảnh và chương trình mô phỏng” (Trích dẫn từ trang UNESCO).

2. TNGDM có đặc điểm gì khác so với các loại tài liệu đang dùng trong trường học hiện nay?

Phần lớn các tài liệu được dùng trong chương trình giảng dạy hiện nay được bảo vệ theo luật bản quyền hiện hành với các quy định chặt chẽ về điều kiện sử dụng, đặc biệt là phải trả tiền hoặc xin phép chủ sở hữu của tài liệu trước khi sử dụng. Trong khi đó, TNGDM được cấp phép và phân phối theo giấy phép mở nên người dùng không phải xin phép hoặc trả tiền khi sử dụng. 

3. Làm thế nào để nhận biết tài liệu được phân phối dưới dạng TNGDM?

Hiện nay, hầu hết TNGDM đều được cấp phép theo Giấy phép Creative Commons (CC). Do đó, sẽ có 1 trong 6 loại Giấy phép CC như bên dưới xuất hiện trong phần đầu tiên của tài liệu:

Hoặc: 

Ý nghĩa của các Giấy phép trên, vui lòng xem tại trang này

4. Lợi ích của việc sử dụng TNGDM?

Đối với giáo viên, nguồn TNGDM có thể giúp đa dạng hóa và tăng cường nội dung cho nguồn tài liệu đang được sử dụng trong khóa học. Đồng thời, nó giúp tiết kiệm chi phí mua sách giáo khoa (SGK) đắt tiền.

 

Đối với sinh viên, nguồn TNGDM tạo điều kiện cho họ có cơ hội tiếp cận được môi trường học tập số hóa đa dạng gồm SGK mở, tư liệu hình ảnh mở, khóa học mở và các công cụ tự đánh giá. Người học có thể thu được nhiều lợi ích từ việc sử dụng nguồn TNGDM bởi vì:

  • Đây là nguồn tài nguyên học tập có chất lượng cao và dễ dàng cập nhật, chỉnh sửa.
  • Cơ hội kiểm nghiệm/ứng dụng kiến thức đã học trên phạm vi rộng hơn giới hạn của khóa học.
  • Hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu cũng như các hình thức học nhóm, cộng tác với nhau.

Ngoài ra, nguồn TNGDM còn hỗ trợ người học có cơ hội sử dụng tài liệu học tập với chi phí thấp và khả năng truy cập linh hoạt (mọi nơi, mọi lúc), nhờ vậy, họ có thể tự học tại nhà. Đồng thời, người học có thể phát triển nhiều kĩ năng quan trọng trong môi trường học tập số như tìm kiếm, sử dụng, chỉnh sửa, tự tạo ra các tài liệu, quảng bá, kết nối...nguồn TNGDM đến cộng đồng rộng lớn hơn.

Xem thêm tại trang sau: https://www.jisc.ac.uk/guides/open-educational-resources/stakeholders-and-benefits

5. Việc sử dụng lại nội dung từ trang này có cần phải xin phép Trường Đại học RMIT hay không?

Không cần phải xin phép.

Toàn bộ nguồn TNGDM trên trang này được Thư viện Trường ĐH RMIT sưu tầm, chọn lọc, và tổ chức theo chủ đề tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả mọi người sử dụng. Bản chất của việc sử dụng TNGDM là hoàn toàn miễn phí và không cần xin phép, chỉ cần tuân theo các quy định trong giấy phép mở Creative Commons.